Loss Aversion (ACMM) - điều gì khiến bạn sợ thua lỗ đến vậy?

05/12/2023

8,950 lượt đọc

Loss Aversion (ACMM) - điều gì khiến bạn sợ thua lỗ đến vậy?

Đã bao giờ bạn đi siêu thị và thấy 1 gói bim bim ghi “80% nguyên liệu ko sử dụng chất bảo quản”, não bộ bạn sẽ nghĩ “thứ này có vẻ tốt cho sức khỏe” và ngay lập tức bỏ nó vào rỏ hàng. Tuy nhiên hãy thử tưởng tượng nếu nó ghi là “20% nguyên liệu có sử dụng chất bảo quản” thì sao? Bản chất thì ko thay đổi nhưng liệu bạn có bỏ nó vào rỏ hàng nữa không?

Đó là sự kỳ diệu của marketing phải không? Hay nói cách khác đó là sự kỳ diệu về tâm lý của chính bạn mà các chuyên gia marketing đã tận dụng được, và nó có tên gọi là Ác cảm mất mát (Loss Aversion). 

Trong đầu tư, hiệu ứng này cũng tác động nhiều lên các quyết định của bạn, điển hình là gây ra hiệu ứng “cổ phiếu bạn vừa bán xong thì tăng giá, còn cổ phiếu bạn vừa mua thì luôn giảm”. Hãy cùng mình tìm hiểu nhé.

img_0

 1, Ác cảm mất mát (ACMM) là gì?

A, Định nghĩa:

ACMM là một phần quan trọng của “lý thuyết triển vọng”, được phát triển bởi Daniel Kahneman và Amos Tversky vào năm 1979. Hai nhà nghiên cứu đồng nghiệp này đã được trao giải Nobel năm 2002 cho công trình tổng thể của họ.

Định nghĩa về ACMM cho rằng tác động tiêu cực khi ta mất gì đó luôn lớn hơn tác động tích cực khi ta đạt được cùng thứ đó, vì thế con người luôn có xu hướng chú ý những điều tiêu cực nhiều hơn những điều tích cực. Kahneman và Tversky đã gợi ý rằng về mặt tâm lý, tác động của tổn thất có thể mạnh gấp đôi so với lợi ích.

img_1

B, Thí nghiệm:

- Kahneman đã có 1 thí nghiệm mời những người ngẫu nhiên tham gia trò chơi tung đồng xu, nếu ra mặt ngửa thì được 150 đô la, nếu ra mặt sấp thì mất 100 đô la. Mặc dù giá trị kỳ vọng rõ ràng là tích cực (lợi nhuận > rủi ro), tuy nhiên phần lớn mọi người từ chối. Vậy câu hỏi là: “lợi nhuận phải là bao nhiêu để họ chấp nhận rủi ro mất 100 đô”. Đa số câu trả lời quanh mức 200 đô, tức lợi nhuận phải gấp đôi rủi ro thì chúng ta mới thấy hấp dẫn. Điều này chứng minh cho phần định nghĩa phía trên - tác động của tổn thất có thể mạnh gấp đôi so với lợi ích.

- 1 thí nghiệm khác: Tưởng tượng bạn tham gia 1 trò chơi.

Vòng 1 bạn có 2 lựa chọn: (1) chắc chắn được 500 đô, hoặc (2) 50% dành được 1000 đô (tung đồng xu, ngửa được 1000 đô và xấp không được gì).

Vòng 2 bạn có 2 lựa chọn: (1) chắc chắn mất 500 đô, hoặc (2) 50% mất 1000 đô (tung đồng xu, ngửa mất 1000 đô và xấp không mất gì).

Kết quả: Ở vòng 1, 84% người tham gia thí nghiệm chọn phương án (1) - chắc chắn được. Tuy nhiên ở vòng 2, 69% chọn phương án (2) - đánh bạc với rủi ro. Vậy tại sao lại có sự khác biệt này?

Rõ ràng cả 2 phương án trong 2 vòng đều có xác suất xảy ra như nhau, sự khác biệt duy nhất là vòng 1 bạn được lời (tích cực) và vòng 2 là bạn mất (tiêu cực). Điều này minh chứng cho ACMM thông qua việc mọi người sợ thua lỗ đến mức sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tránh nó, trong khi họ không sẵn sàng làm điều tương tự để kiếm được thêm lợi nhuận.

Link thí nghiệm: https://www.jstor.org/stable/1914185

img_2

- Một ví dụ khác về ACMM liên quan đến các quyết định tài chính là nghiên cứu của Daniel Putler về mối tương quan giữa giá trứng và sự thay đổi nhu cầu.

Từ tháng 7 năm 1981 đến tháng 7 năm 1983, nhóm của Putler thống kê được rằng khi giá trứng tăng 10% thì nhu cầu về trứng lại giảm 7,8%, ngược lại, khi giá trứng giảm 10% thì cầu chỉ tăng 3,3%. Nghiên cứu này củng cố thêm rằng bản chất tâm lý con người bị tác động bởi sự mất mát mạnh hơn nhiều lần so với các khoản lợi ích đạt được.

img_3

2, Điều gì gây ra Thiên kiến này?

Mặc dù được biết đến là 1 sai lệch về mặt tâm lý, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng của ACMM với mỗi cá nhân rất khác nhau, điều này được giải thích bằng những nguyên nhân gây ra Ác cảm với mỗi người là cũng khác nhau. Các nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như:

- Cấu tạo não bộ

Hạch hạnh nhân là phần não chủ yếu xử lý nỗi sợ hãi, tự động tạo ra cảm giác lo lắng trước khi chúng ta phát hiện nguy hiểm . ACMM cũng kích hoạt hạch hạnh nhân, điều này giải thích tại sao phản ứng của chúng ta trước nguy hiểm, chẳng hạn như nhìn thấy một con nhện hoặc rắn, lại rất giống với phản ứng của chúng ta trước sự mất mát, chẳng hạn như mất tiền hoặc tài sản. Cả hai tình huống đều kích thích giải phóng các hormone như adrenaline và cortisol, tiếp thêm năng lượng cho chúng ta để bảo vệ bản thân và tìm cách chạy trốn khỏi các tổn thương. Sự trùng lặp này giải thích tại sao ACMM lại khó cưỡng lại đến vậy: bộ não và cơ thể của chúng ta được lập trình để tự động sợ mất mát!

img_4

- Vị thế về vốn

Việc quản trị vốn tốt và mức độ giàu cũng đóng vai trò quan trọng về mức độ nghiêm trọng của ACMM. Những người giàu có thường dễ dàng chấp nhận những tổn thất mà họ phải gánh chịu nhờ có những nguồn tài chính khác bù đắp. Trong thị trường tài chính cũng vậy, những Nhà đầu tư có dòng tiền tốt từ công việc chính, đa dạng hóa danh mục đầu tư tốt và coi đầu tư như 1 nguồn thu phụ chứ không kiếm tiền nhanh từ đó thì đều chịu ít tác động khi những thua lỗ xảy ra.

img_5

Mở rộng thêm 1 sự thật thú vị, đó là mức độ ACMM của những người giàu cũng có thể bị thay đổi bởi môi trường xung quanh của họ giàu đến mức nào. Một nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy các làng giàu nhìn chung ít lo lắng về tổn thất hơn các làng nghèo. Đặc biệt, những người có thu nhập trung bình cao hơn ở những khu vực giàu có sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn. Tuy nhiên, những người giàu sống trong môi trường nghèo nàn lại sợ bị mất mát hơn những người nghèo sống trong môi trường giàu có. Những phát hiện này cho thấy mức độ ACMM của chúng ta có thể được quyết định bởi tình hình tài chính của những người xung quanh cũng như của chính chúng ta.

- Văn hóa

Một nghiên cứu do giáo sư Mei Wang thực hiện đã khảo sát các nhóm từ 53 quốc gia khác nhau để hiểu các giá trị văn hóa khác nhau ảnh hưởng như thế nào đến nhận thức về mất mát so với lợi ích của một người. Nhóm phát hiện ra rằng những người đến từ các nước Đông Âu sợ mất mát nhất, trong đó những người đến từ các nước châu Phi là ít nhất.

Lời giải thích cho điều này nằm ở sự khác biệt giữa nền văn hóa tập thể và chủ nghĩa cá nhân. Những người thuộc nền văn hóa tập thể, coi trọng các mối quan hệ xã hội hơn có thể ít ác cảm với mất mát hơn vì họ có thể dựa vào bạn bè, gia đình và cộng đồng nếu họ đưa ra một quyết định sai lầm. Hệ thống hỗ trợ này giúp các cá nhân chấp nhận rủi ro và đỡ sợ mất mát hơn. Ngược lại, những người thuộc nền văn hóa cá nhân, độc lập sẽ thiếu mạng lưới an toàn xã hội và không có nhiều sự hỗ trợ khi xảy ra thua lỗ, vì vậy mà sẽ sợ sự mất mát hơn.

img_6

 3, Bạn có thể gặp ACMM trong những lĩnh vực nào của đời sống?

- Bảo hiểm.

Các công ty bảo hiểm là chuyên gia trong việc tận dụng ACMM để thu nhiều phí bảo hiểm của bạn hơn dành cho những sự kiện với xác suất thấp có thể xảy ra. Họ thường có 1 danh sách dài các sự việc có thể xảy ra nếu bạn không mua bảo hiểm (mất mát), tuy nhiên lại không công bố xác suất có thể xảy ra của mỗi sự kiện đó. Và khi đọc những sự kiện không may này khiến bạn sợ những tổn thất nếu nó xảy ra và cố gắng tránh chúng bằng cách phải mua bảo hiểm.

img_7

- Marketing

Câu quảng cáo “tiết kiệm 100 đô la ngay bây giờ bằng cách mua sản phẩm này” sẽ hiệu quả hơn “kiếm được 100 đô la khi mua sản phẩm này”, vì nó đánh vào nỗi đau mất 100 đô sẽ hiệu quả hơn việc đạt được 100 đô. Hoặc các khuyến mại đánh vào sự khan hiếm: “chương trình khuyến mại chỉ trong hôm nay”, “chỉ còn x sản phẩm trong kho”, nếu khách hàng không mua thì họ sẽ mất cơ hội (mất mát), điều này ngay lập tức gây ra ACMM.

img_8

- Sale

Các chiến dịch dùng thử miễn phí là ví dụ điển hình về cách các đội Sale tận dụng ACMM. Khi khách hàng dùng thử một sản phẩm vào cuộc sống của họ, họ sẽ có nhiều khả năng mua nó sau khi kết thúc dùng thử. Vì sau khi quen với việc dùng sản phẩm đó trong cuộc sống, họ sẽ sợ cảm giác mất mát khi không còn được dùng nó nữa, vì thế mà đẩy mạnh tâm lý muốn mua sản phẩm đó khi kết thúc dùng thử.

img_9

- Các lĩnh vực khác

Hiệu ứng này mở rộng sang nhiều khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta, từ các mối quan hệ (chẳng hạn như bạn không chia tay với người bạn trai tồi tệ của mình vì sợ sẽ nhớ anh ta), các quyết định về sức khỏe (sự do dự về vắc-xin xuất phát từ nỗi sợ hãi những tác dụng phụ, mặc dù lợi ích của nó có thể cao hơn), hay cách chúng ta sử dụng thời gian của mình (không chọn được 1 bộ phim để xem vì sợ bỏ lỡ các phim khác).  Nó cai trị cuộc sống của chúng ta mà chúng ta không hề nhận ra.

4, ACMM tác động đến các Nhà đầu tư như thế nào?

- Bất kỳ điều gì cũng có 2 mặt của nó. Ác cảm này có thể hữu ích khi nó ngăn cản chúng ta đưa ra những quyết định mà cuối cùng sẽ khiến chúng ta trở nên tồi tệ hơn; chẳng hạn như chi tiêu quá nhiều khi đi mua sắm hoặc đánh bạc mạo hiểm.

Tuy nhiên, ở mức độ thường xuyên hơn, nó thường làm giảm đáng kể khả năng đưa ra quyết định của chúng ta, đặc biệt phổ biến với các quyết định về tài chính. Một cá nhân ít có khả năng mua cổ phiếu nếu có nguy cơ mất tiền tiềm ẩn, mặc dù tiềm năng sinh lời cao. Đáng chú ý, hiệu ứng này sẽ mạnh mẽ hơn khi số tiền đặt cược cao hơn.

Tạm hiểu là Nhà đầu tư muốn tránh thua lỗ hơn là cố kiếm lợi nhuận, đặc biệt khi Thị trường đang trong xu hướng giảm, mặc dù những khoản lợi nhuận kỳ vọng có thể đang vượt trội hơn nhiều so với rủi ro. Đó là khi bạn đang đứng ngoài, còn ngược lại, nếu bạn đang nắm giữ những khoản thua lỗ thì ACMM sẽ khiến bạn có xu hướng tiếp tục nắm giữ để không phải trải qua nỗi đau thực sự của thua lỗ bằng cách cắt lỗ. Chỉ đến khi khoản lỗ rất lớn và vượt ngoài sức chịu đựng thì bạn chỉ còn cách rời bỏ thị trường và mặc kệ khoản đầu tư đó ở đấy. Và đó luôn là câu chuyện của các Nhà đầu tư F0 sau mỗi cơn sóng thần của Thị trường.

img_10

- Trả lời cho câu hỏi ở mở bài: “tại sao cổ phiếu bạn vừa bán xong thì tăng giá, còn cổ phiếu bạn vừa mua thì luôn giảm”. Đó là vì bạn chú ý đến thua lỗ hơn là các khoản lợi nhuận. Những lần bạn mua xong mà cổ phiếu tăng giá thì bạn sẽ không ghi nhớ đậm sâu bằng những lần bạn mua xong mà cổ lại giảm ngay sau đó (thua lỗ). Kết quả là khi nhớ lại quá trình đầu tư, bộ não của bạn sẽ bị nhầm lẫn và chỉ nhớ những sai lầm mà thôi.

- Ác cảm này mạnh đến mức có thể dẫn đến thành kiến tiêu cực. Trong những trường hợp như vậy, nhà đầu tư sẽ đặt nặng tin xấu hơn là tin tốt. Thậm chí ngay cả khi Thị trường ngừng rơi thì họ vẫn chỉ chú ý đến các tin tức tiêu cực với ác cảm rằng Thị trường vẫn có thể xấu hơn nữa. Hệ quả là các đánh giá sai lệch sẽ khiến họ bỏ lỡ cơ hội khi thị trường đảo chiều tăng giá. Cho đến khi Thị trường tăng rất nhiều rồi thì họ mới quay lại.

- Mở rộng hơn, những tác động tâm lý của việc đối mặt với khả năng thua lỗ thậm chí có thể gây ra hành vi chấp nhận thêm rủi ro, mục tiêu để giảm thiểu những thua lỗ cũ nhưng kết quả lại khiến những tổn thất trở nên nghiêm trọng hơn.

Ví dụ việc tăng gấp đôi cược khi thua lỗ ở sòng bạc, hoặc vay thêm tiền để mua trung bình khí giá tài sản giảm. Cụ thể, khi bạn chọn sai cổ phiếu, sau đó thua lỗ nhưng thay vì đối mặt với nỗi đau thực sự bằng việc cắt lỗ, thì bạn chấp nhận thêm rủi ro để mua trung bình giá xuống, với mục tiêu đưa mức lỗ giảm xuống và quãng đường về bờ ngắn hơn. Tuy nhiên, rõ ràng sai thêm để sửa sai cũ chỉ khiến mọi thứ tệ hơn. Phần lớn thời gian Thị trường vào xu hướng giảm sẽ tiếp tục giảm tiếp khiến các khoản lỗ ngày càng nới rộng hơn, kết quả là chỉ 1 nhịp giảm những đã xóa sạch tất cả lãi của giai đoạn tăng trước đó, thậm chí lỗ thêm vào vốn.

img_11

1 nghiên cứu của Schrand và Zechman cũng cho thấy các cty thường phóng đại những dự đoán về lợi nhuận, có thể thử thách là tốt, tuy nhiên nếu trường hợp các khoản lợi nhuận không được như dự đoán thì họ sẽ dễ rơi vào ACMM và phải thực hiện các thủ thuật để đánh lừa các Nhà đầu tư, nhằm tránh phải thừa nhận 1 sai lầm đáng xấu hổ mà có thể ảnh hưởng đến danh tiếng sau này.

“ Vì không muốn có cảm giác mất mát khó chịu nên chúng ta từ chối chấp nhận rằng mình đã đưa ra một quyết định sai lầm, khiến chúng ta phải chịu nhiều tổn thất hơn khi làm như vậy”

5, Có cách nào để loại bỏ Thiên kiến này không?

Điều khó chịu là, con người vẫn là động vật của cảm xúc nên không thể loại bỏ hoàn toàn chúng và giao dịch như 1 cỗ máy được. Thay vì thế chúng ta có thể nhận biết những sai lệch về tâm lý này, hạn chế và giữ chúng ở mức độ an toàn thì vẫn có thể tận dụng các mặt tốt mà không gây ra tác hại lớn. Và dưới đây là 1 số cách để bạn hạn chế ACMM:

- Thay đổi nhận thức về thua lỗ

Mọi người sợ thua lỗ vì họ không thể dũng cảm thừa nhận mình mình đã sai. Trên thực tế ngay cả những nhà đầu tư thành công nhất cũng nhiều lần sai và phải chịu các khoản lỗ. Điều khác biệt là họ sẵn sàng thừa nhận, vì với họ thua lỗ không phải điều gì xấu hổ, điều xấu hổ là không dám thừa nhận mình đã sai. Với họ thua lỗ là bài học để cải thiện tốt hơn khả năng đầu tư ở những cơ hội sau, vì vậy họ có thể thoải mái thừa nhận nó.

img_12

- Kế hoạch đầu tư và quản trị rủi ro

Trong phần 2 của bài viết, chúng ta biết được những Nhà đầu tư có các nguồn thu khác nhau hỗ trợ và có kế hoạch đầu tư trước thì sẽ đỡ sợ thua lỗ hơn. Do đó để giảm thiểu ACMM, bạn cũng cần chuẩn bị trước kế hoạch đầu tư của mình và trả lời được 1 số câu hỏi cơ bản như: bạn có những nguồn thu nhập nào để đảm bảo sự an toàn về tài chính?, khả năng chịu đựng rủi ro và mức lợi nhuận kỳ vọng là cao hay thấp?, số vốn phân bổ vào mỗi kênh đầu tư là bao nhiêu?, nếu xảy ra thua lỗ ở 1 kênh đầu tư nào đó thì sẽ xử lý sao?,… (phần này thực tế khá khó nhưng mình chưa viết chi tiết trong bài này được, nên các bạn hãy tham khảo thêm ý kiến từ các chuyên gia hoặc tìm kiếm từ khóa “wealth management” nhé).

Thêm vào đó, để quản trị rủi ro, hãy tự hỏi bản thân xem kết quả tồi tệ nhất sẽ ra sao nếu mình tham gia cơ hội đầu tư này, và mình có chịu được nó không. Nếu làm được điều này thì đến khi rủi ro thực sự xảy ra, bạn đã chuẩn bị sẵn tâm lý rồi, thì sự mất mát sẽ không còn quá đáng sợ và bạn sẽ dễ dàng xử lý được.

img_13

- Cân đối lợi nhuận và rủi ro

Trong các tình huống gặp mất mát, thay vì chỉ nhìn vào thua lỗ, hãy cân nhắc cả những khoản lợi nhuận tiềm năng nữa. Ví dụ khi Thị trường đang giảm. Thay vì chỉ tập trung những sự tiêu cực (các khoản lỗ, các tin xấu,..) và nghĩ rằng giá sẽ còn giảm tiếp, hãy so sánh xem: ở thời điểm đó, nếu giảm thêm thì có thể giảm đến đâu, và nếu hồi phục lại thì mức lợi nhuận kỳ vọng là bao nhiêu. Từ đó bạn sẽ có đánh giá khách quan hơn về cả 2 chiều tích cực và tiêu cực, chứ không bị tác động bởi mỗi chiều tiêu cực.

img_14

- Sử dụng các công cụ giúp bạn hạn chế yếu tố cảm xúc

Khi chúng ta tiếp cận một tình huống khó xử, chúng ta đánh giá các lựa chọn của mình với xu hướng đánh giá quá cao những mất mát và đánh giá thấp những lợi ích đạt được. Trong khi đó, các thuật toán hay máy móc luôn tiếp cận các tình huống khó xử theo cùng một cách: đưa ra dự đoán dựa trên các mẫu thống kê được tinh chỉnh, do đó mang lại trọng số tương đương cho lãi và lỗ, cùng với đó là tính toán chính xác lợi ích ròng của chúng ta từ việc thực hiện theo một lựa chọn. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta nên dựa vào Chat GPT để đưa ra quyết định cho mọi quyết định của mình, nhưng nó có thể là một công cụ hữu ích khi chúng ta cảm thấy ACMM đang che mờ các phán đoán của mình.

Link: 3 trường hợp AI hiệu quả hơn các chuyên gia

img_15

6, Thay lời kết

ACMM (hay các thiên kiến nhận thức khác) đều không phải vấn đề của riêng ai, nó tồn tại trong mọi ngóc ngách cuộc sống, bạn tiếp xúc với chúng hàng ngày nhưng nhiều khi không thể nhận ra, đặc biệt trong thị trường tài chính thì tác động của nó còn mạnh mẽ hơn cả vì liên quan đến Tiền - yếu tố cực kỳ quan trọng và dễ kích động cảm xúc của con người. Do đó, sau bài viết này, nếu nhận ra mình đã từng mắc phải hiệu ứng tâm lý này thì cũng đừng lo, còn rất hiệu ứng khác vẫn đang chờ bạn cơ… Mình đùa thôi, ít nhất nhận thức được sự tồn tại của nó là bạn đã tránh được 50% tác động tiêu cực rồi, phần còn lại quá trình luyện tập, chúc bạn sớm thành công.

Chia sẻ bài viết

Đánh giá

Hãy là người đầu tiên nhận xét bài viết này!

Đăng ký nhận tin

Nhập Email để nhận được bản tin mới nhất từ QM Capital.

Bài viết liên quan

Mẫu nến Bullish Marubozu: Dấu hiệu mạnh mẽ của động lực mua trong thị trường
21/11/2024
24 lượt đọc

Mẫu nến Bullish Marubozu: Dấu hiệu mạnh mẽ của động lực mua trong thị trường C

Trong phân tích kỹ thuật, biểu đồ nến là một trong những công cụ phổ biến nhất mà các nhà giao dịch sử dụng để xác định xu hướng, sự biến động giá và các điểm vào/ra giao dịch tiềm năng. Trong số các loại mô hình nến, nến Bullish Marubozu được coi là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy động lực thị trường đang nghiêng về phía người mua. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về mẫu nến Bullish Marubozu, cách nó được hình thành, ý nghĩa, và cách các nhà giao dịch có thể tận dụng nó để đạt lợi thế trên thị trường.

Những mẫu nến đảo chiều mạnh mà nhà đầu tư chứng khoán nhất định phải biết
20/11/2024
24 lượt đọc

Những mẫu nến đảo chiều mạnh mà nhà đầu tư chứng khoán nhất định phải biết C

Trong thị trường chứng khoán, việc nhận biết các tín hiệu đảo chiều là một trong những kỹ năng quan trọng giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định kịp thời, giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận. Các mẫu nến đảo chiều mạnh không chỉ là công cụ phân tích kỹ thuật hữu ích mà còn là "kim chỉ nam" để dự đoán sự thay đổi xu hướng giá. Dựa vào các mô hình nến này, nhà đầu tư có thể nhận diện thời điểm thị trường sắp tăng hoặc giảm, từ đó xây dựng chiến lược giao dịch hiệu quả.

6 lỗi khi backtest danh mục đầu tư
19/11/2024
42 lượt đọc

6 lỗi khi backtest danh mục đầu tư C

Trong quá trình thực hiện backtest một chiến lược giao dịch đơn lẻ hoặc toàn bộ danh mục đầu tư, nhiều nhà giao dịch mắc phải những sai lầm phổ biến. Những lỗi này có thể dẫn đến kết quả backtest không chính xác và khiến chiến lược thất bại khi áp dụng vào thị trường thực tế. Dưới đây là 6 lỗi phổ biến nhất và các cách để tránh chúng, có bổ sung ví dụ và bảng minh họa.

Kiểm tra tính bền vững – Tìm kiếm chiến lược giao dịch đáng tin cậy
15/11/2024
351 lượt đọc

Kiểm tra tính bền vững – Tìm kiếm chiến lược giao dịch đáng tin cậy C

Trong giao dịch, việc backtest một chiến lược là bước đầu tiên để đánh giá tính hiệu quả của nó. Tuy nhiên, việc chỉ dựa vào một kết quả backtest tốt để quyết định áp dụng vào thực tế là một sai lầm phổ biến và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một chiến lược có thể đạt hiệu suất vượt trội trên dữ liệu lịch sử đơn thuần do sự may mắn ngẫu nhiên, nhưng lại thất bại hoàn toàn khi gặp các điều kiện thị trường khác biệt trong tương lai.

Tại sao nên sử dụng Mô phỏng Monte Carlo trong Giao dịch?
14/11/2024
477 lượt đọc

Tại sao nên sử dụng Mô phỏng Monte Carlo trong Giao dịch? C

Mô phỏng Monte Carlo là một trong những công cụ thống kê quan trọng giúp phân tích và đo lường rủi ro của chiến lược giao dịch. Được ứng dụng rộng rãi trong tài chính, phương pháp này giúp các nhà giao dịch dự đoán các kịch bản có thể xảy ra trên thị trường, từ đó xây dựng các chiến lược có khả năng ứng dụng thực tế cao.

6 lỗi lớn nhất trong backtest danh mục đầu tư
12/11/2024
330 lượt đọc

6 lỗi lớn nhất trong backtest danh mục đầu tư C

Trong quá trình thực hiện backtest một chiến lược giao dịch đơn lẻ hoặc toàn bộ danh mục đầu tư, nhiều nhà giao dịch mắc phải những sai lầm phổ biến. Những lỗi này có thể dẫn đến kết quả backtest không chính xác và khiến chiến lược thất bại khi áp dụng vào thị trường thực tế. Dưới đây là 6 lỗi phổ biến nhất và các cách để tránh chúng, có bổ sung ví dụ và bảng minh họa.

video-image

Truy Cập Miễn Phí Thư Viện Bot Tín Hiệu Giao Dịch Tự Động

Được nghiên cứu và phát triển bởi các chuyên gia từ QMTrade và cộng đồng nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Truy cập ngay!