Giao dịch theo xu hướng là gì?

05/02/2024

10,451 lượt đọc

Trend Following, hay giao dịch theo xu hướng, là một chiến lược đầu tư mạnh mẽ dựa trên việc nhận diện và đi theo xu hướng chính của thị trường. Được áp dụng bởi các huyền thoại giao dịch như Jesse Livermore và Ed Seykota đã đem lại hiệu suất đáng kinh ngạc. Chiến lược này tập trung vào việc mua khi thị trường đang tăng và bán hoặc bán khống khi thị trường giảm. Điểm đặc biệt là nó không theo đuổi việc mua ở giá thấp và bán ở giá cao theo cách truyền thống, mà là mua khi giá đang tăng và bán khi giá đang giảm, với niềm tin rằng xu hướng hiện tại sẽ tiếp tục. Chiến lược này dựa trên việc sử dụng các mô hình thuật toán để xác định xu hướng giá và áp dụng các chỉ báo giá và biến động để quyết định giao dịch, được thiết kế để hạn chế rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận bằng cách duy trì vững chắc các vị thế có lợi và cắt lỗ nhanh chóng.

1. Trend following là gì?

Trend following hay còn gọi là giao dịch theo xu hướng là một chiến lược giao dịch dựa vào xu hướng chính của thị trường. Chiến lược này hoạt động với giả định rằng khi một cổ phiếu hay thị trường bước vào một xu hướng, khả năng có xu hướng ấy sẽ tiếp diễn trong tương lai gần. Cụ thể là mua vào khi thị trường đang trong xu hướng tăng và bán ra khi thị trường vào xu hướng giảm. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư sẽ “bơi cùng dòng nước” thay vì “bơi ngược dòng”, như trong chiến lược giao dịch ngược xu hướng (counter-trend trading).

Có một câu nói bất hủ trên thị trường: “Trend is your friend, until the end when it bends” tức là “Xu hướng là bạn, cho tới khi nó đảo chiều”. Mặc dù chiến lược giao dịch theo xu hướng mang lại nhiều cơ hội giao dịch, tuy nhiên phải cẩn trọng nếu như xu hướng đang thay đổi. Vì vậy cần tìm hiểu kỹ hơn, tập trung vào cách xác định chiến lược cụ thể

Hình 1.1: Xu hướng tăng của VN Index kéo dài từ 2016 – 2018


2. Các loại xu hướng trong giao dịch

Chiến lược theo xu hướng (Trend Following) là một phương pháp giao dịch tiêu biểu trong lĩnh vực tài chính, nhấn mạnh vào việc theo dõi và phản ứng với xu hướng thị trường. Điều này bao gồm việc mua vào khi thị trường cho thấy dấu hiệu của một xu hướng tăng và bán ra hoặc bán khống khi xu hướng giảm xuất hiện. Xu hướng thị trường là trọng tâm của chiến lược này vì chúng dẫn nhà giao dịch trong việc đưa ra quyết định mua hoặc bán, dựa trên giả định rằng xu hướng hiện tại sẽ tiếp tục trong một thời gian.

Nhận diện chính xác xu hướng là yếu tố then chốt, đòi hỏi nhà giao dịch phải sử dụng các công cụ phân tích kỹ thuật và kỹ năng quan sát thị trường để đưa ra quyết định. Tuy nhiên, cần phải luôn ý thức về rủi ro khi xu hướng đột ngột thay đổi, và do đó, việc áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro là cần thiết để bảo vệ vốn và tối ưu hóa lợi nhuận.

Dưới đây là ba loại xu hướng thị trường khác nhau:

  1. Uptrend (Xu hướng tăng)

Uptrend là giai đoạn giá chứng khoán có xu hướng tăng. Xu hướng giá tăng kéo theo sự gia tăng của thị trường và cổ phiếu. Để có thể thấy rõ xu hướng tăng này chúng ta có thể quan sát đồ thị biểu hiện mức giá. Giá trước sẽ cao hơn giá sau, đỉnh giá sau cao hơn đỉnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước, tạo nên một chuỗi tăng có cấu trúc rõ ràng. Xu hướng tăng thường bắt đầu bởi các tin tức hoặc sự kiện kinh tế vĩ mô tích cực, trong giai đoạn này, các nhà đầu tư có tâm lý tích cực và thường mua vào nhiều hơn bán ra. Thanh khoản của thị trường giai đoạn này thường rất lớn với sự tham gia mạnh của giới đầu cơ, lướt sóng. Đến khi lên đến một ngưỡng đỉnh nào đó thì xu hướng tăng sẽ bị kháng cự và sẽ có xu hướng quay đầu đi xuống, giảm dần.

Đối với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, việc nhanh chóng nhận diện và phản ứng với một xu hướng là chìa khóa để tối ưu hóa lợi nhuận. Xu hướng tăng cung cấp nhiều cơ hội đầu tư bằng cách lựa chọn cổ phiếu có tiềm năng tăng giá mạnh hoặc tập trung vào những nhóm ngành đang có xu hướng tăng giá

2. Downtrend (Xu hướng giảm)

Downtrend là giai đoạn giá chứng khoán có xu hướng giảm, thường là vài tháng. Trên biểu đồ kỹ thuật thường thấy: đỉnh giá sau thấp hơn đỉnh trước, đáy sau thấp hơn đáy trước. Thường bắt đầu bằng một tin xấu mang tầm vĩ mô có tác động lớn. Trong giai đoạn này, các nhà đầu tư có tâm lý tiêu cực và thường bán ra nhiều. Trong giai đoạn downtrend, thanh khoản thị trường thường giảm do sự thận trọng từ phía người mua. Do đó, việc nhận biết hoặc dự đoán xu hướng giảm giá trước khi nó diễn ra trở nên vô cùng quan trọng, giúp nhà đầu tư giảm thiểu thua lỗ bằng cách bán cổ phiếu sớm hoặc thậm chí có thể bảo toàn vốn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều trường hợp xu hướng giảm diễn ra một cách bất ngờ, gây ra tình trạng bán tháo và làm giá cổ phiếu giảm mạnh và nhanh chóng. Điều này thường khiến cho các nhà đầu tư không kịp phản ứng, dẫn đến những thua lỗ nặng nề. Đây là một rủi ro không thể tránh khỏi trong đầu tư chứng khoán, đòi hỏi nhà đầu tư cần có sự chuẩn bị và chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả.

3. Sideway trend (Xu hướng đi ngang) 

Sideway là trạng thái xảy ra khi giá chứng khoán đi ngang trong một biên độ ổn định, không hình thành xu hướng cụ thể. Dù là ở bất kỳ thị trường nào, việc tăng hay giảm giá cũng không thể xảy ra liên tục. Thời điểm diễn ra Sideway là lúc để thị trường bình ổn lại, chuẩn bị cho một xu hướng tăng, giảm cụ thể tiếp theo.

Tình trạng Sideway có thể diễn ra trong vài tháng và có thể tới cả năm. Khác với Uptrend và Downtrend, trong xu hướng Sideway bên mua và bên bán gần như cân bằng. Sự biến động giá trong giai đoạn này là rất thấp, vì vậy không có sự chênh lệch giá nên nhà đầu tư khó xác định thời điểm nào nên mua vào hay nên bán ra.

Thông thường, giai đoạn sideway sẽ xuất hiện ở thời điểm cuối xu hướng giá tăng hoặc cuối xu hướng giá giảm. Vùng sideway được tạo ra với các đường kháng cự và đường hỗ trợ. Sideway bắt đầu hình thành khi giá chứng khoán chạm hai đường hỗ trợ và kháng cự 4 lần mà chưa tạo thành các đỉnh mới hoặc đáy mới.

Cuối cùng, xu hướng Sideway sẽ kết thúc khi một trong hai lực, mua hoặc bán, trở nên mạnh mẽ hơn và đẩy giá vượt qua ngưỡng kháng cự hoặc hỗ trợ, dẫn đến sự hình thành của một xu hướng mới, dù là uptrend hoặc downtrend. Nhận biết và hiểu rõ về xu hướng Sideway giúp nhà đầu tư đưa ra các quyết định đầu tư thông minh và kịp thời trong bối cảnh thị trường không rõ ràng.


3. 3 chỉ báo thị trường cho chiến lược giao dịch theo xu hướng

Trong phân tích kỹ thuật, việc xác định xu hướng thị trường là nền tảng quan trọng giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định mua bán. Để làm được điều này, các nhà đầu tư sử dụng một loạt các chỉ báo kỹ thuật, mỗi loại có những đặc điểm và cách thức hoạt động riêng biệt, giúp họ nhận diện được xu hướng thị trường một cách chính xác hơn. Dưới đây là một số chỉ báo xác định xu hướng cơ bản thường được dùng:

3.1. Moving averages (Đường trung bình động)

Đường trung bình động làm mượt dữ liệu giá và thể hiện qua một đường duy nhất. Đường trung bình động đại diện cho giá trung bình trong một khoảng thời gian. Khoảng thời gian đó được chọn để sử dụng tùy vào khung thời gian giao dịch của nhà đầu tư. Đối với các nhà đầu tư và những người theo xu hướng dài hạn, đường trung bình động 200 ngày, 100 ngày và 50 ngày là những lựa chọn phổ biến.

Hình 3.1. Ví dụ về chiến lược giao dịch sử dụng chỉ báo MA (Đường trung bình động)

Khi đầu tư, việc quan sát trung bình động (MA) trên biểu đồ giá có thể giúp nhà đầu tư nhận diện xu hướng và tín hiệu mua bán một cách hiệu quả:

Quan sát góc độ của đường trung bình động:

  • Không xu hướng: Nếu nhà đầu tư thấy đường trung bình động chủ yếu di chuyển ngang qua một khoảng thời gian dài, điều này cho thấy giá của tài sản không có xu hướng rõ ràng.
  • Xu hướng tăng: Một đường trung bình động hướng lên báo hiệu rằng một xu hướng tăng giá đang được hình thành.

Giao cắt giữa các đường trung bình động:

Sử dụng hai đường MA với khoảng thời gian khác nhau (ví dụ: MA50 và MA200) giúp nhận biết tín hiệu mua hoặc bán:

  • Tín hiệu mua: Khi MA ngắn hạn (MA50) cắt lên trên MA dài hạn (MA200), đây có thể là tín hiệu mua.
  • Tín hiệu bán: Khi MA ngắn hạn (MA50) cắt xuống dưới MA dài hạn (MA200), đây có thể là tín hiệu bán.

Giá cắt đường trung bình động:

Khi giá cắt lên qua đường trung bình động, nó có thể được xem là tín hiệu mua. Ngược lại, khi giá cắt xuống dưới đường trung bình động, nó có thể được xem là tín hiệu bán.

Tuy nhiên, vì giá biến động mạnh hơn so với đường trung bình động, phương pháp này đôi khi có thể tạo ra tín hiệu sai.

Trung bình động làm ngưỡng hỗ trợ/kháng cự:

Đường trung bình động cũng có thể được sử dụng như một ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự, giúp nhà đầu tư định hình được khu vực mua vào hoặc bán ra tiềm năng.

Tuy nhiên, do giá cổ phiếu thường biến động mạnh hơn so với đường MA, việc sử dụng đường trung bình động làm cơ sở cho các quyết định giao dịch đôi khi có thể dẫn đến những tín hiệu sai. Vì vậy, nhà đầu tư nên kết hợp đường trung bình động với các công cụ phân tích kỹ thuật khác để gia tăng sự chắc chắn của tín hiệu giao dịch.

3.2. MACD (Moving Average Convergence Divergence)

Chỉ báo MACD là một chỉ báo dao động, dao động trên và dưới 0, chỉ báo MACD vừa là một chỉ báo theo xu hướng vừa là một chỉ báo động lượng.

Một chiến lược cơ bản của MACD là xem xét nó nằm ở trên hay ở dưới mức 0 trên biểu đồ. Duy trì trên mức 0 trong một khoảng thời gian, có thể là xu hướng tăng, ngược lại, chỉ báo dưới mức 0 có thể là xu hướng giảm. Tín hiệu mua tiềm năng xảy ra khi chỉ báo MACD di chuyển trên mức 0 và tín hiệu bán tiềm năng khi nó cắt xuống dưới mức 0.

Hình 3.2. Ví dụ về chiến lược giao dịch sử dụng chỉ báo MACD

Cách sử dụng MACD:

Xu hướng thị trường:

  • Tín hiệu tăng: Khi MACD duy trì giá trị dương (trên mức 0) trong một thời gian, điều này cho thấy xu hướng tăng giá có thể đang hình thành.
  • Tín hiệu giảm: Ngược lại, MACD ở dưới mức 0 báo hiệu xu hướng giảm giá

Giao cắt đường tín hiệu:

Chỉ báo MACD bao gồm hai đường: đường MACD (đường nhanh) và đường tín hiệu (đường chậm).

  • Tín hiệu mua: Một tín hiệu mua được đưa ra khi đường MACD (nhanh) cắt lên trên đường tín hiệu (chậm), cho thấy một sự gia tăng trong xung lượng tăng giá.
  • Tín hiệu bán: Tín hiệu bán được hình thành khi đường MACD cắt xuống dưới đường tín hiệu, phản ánh một sự tăng trong xung lượng giảm giá.

Chỉ báo MACD cũng phản ánh sự phân kỳ và hợp nhất giữa giá và chỉ báo, cung cấp thông tin về sức mạnh của xu hướng:

  • Phân kỳ tăng: Khi giá tạo ra đáy mới thấp hơn nhưng MACD tạo ra đáy mới cao hơn, nó báo hiệu sự suy yếu của xu hướng giảm và khả năng đảo chiều xu hướng tăng.
  • Phân kỳ giảm: Khi giá tạo đỉnh mới cao hơn nhưng MACD tạo đỉnh mới thấp hơn, nó cho thấy xu hướng tăng có thể đang suy yếu, và có khả năng giá sẽ giảm.

3.3. RSI (Relative Strength Index)

Chỉ số RSI (Relative Strength Index) là một chỉ báo phân tích kỹ thuật dao động trong khoảng từ 0 đến 100, mang lại cái nhìn sâu sắc về điều kiện quá mua hoặc quá bán của thị trường. Khi RSI vượt quá ngưỡng 70, thị trường được coi là ở trong trạng thái quá mua, có nghĩa là có khả năng giá sẽ điều chỉnh giảm. Ngược lại, khi RSI dưới 30, thị trường được xem là quá bán, cho thấy có khả năng giá sẽ tăng.

Trong điều kiện thị trường của một xu hướng tăng mạnh, RSI có thể vượt qua 70 và duy trì ở mức cao. Tương tự, trong một xu hướng giảm mạnh, RSI thường xuống dưới 30 và ở mức thấp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mức quá mua và quá bán không phải lúc nào cũng đại diện cho tín hiệu đảo chiều chính xác và kịp thời.

Hình 3.3. Ví dụ về chiến lược giao dịch sử dụng chỉ báo RSI

Một chiến lược giao dịch sử dụng RSI là mua vào gần ngưỡng quá bán khi chỉ số RSI bắt đầu hồi lên và thực hiện các giao dịch ngắn hạn gần ngưỡng quá mua khi RSI bắt đầu giảm. Trong một xu hướng tăng dài hạn, tín hiệu mua có thể xuất hiện khi RSI xuống dưới 50 và sau đó quay trở lại trên mức này, báo hiệu rằng đợt điều chỉnh đã kết thúc và xu hướng tăng giá có thể tiếp tục. Trong xu hướng giảm, tín hiệu bán xuất hiện khi RSI đạt 50 và sau đó giảm.

Để xác định xu hướng thị trường một cách chính xác hơn, việc sử dụng đường xu hướng hoặc đường trung bình động cùng với RSI có thể cung cấp tín hiệu giao dịch rõ ràng hơn.

Công thức tính RSI:

RSI = 100 – 100 / (1 + RS)

Trong đó,

RS là tỷ lệ giữa lợi nhuận trung bình của các phiên tăng giá và mức lỗ trung bình của các phiên giảm giá trong một khoảng thời gian nhất định.


4. Ưu và nhược điểm của giao dịch theo xu hướng

Hình 3.4. Ưu và nhược điểm của giao dịch theo xu hướng

Giao dịch theo xu hướng mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư trong việc phân tích và đưa ra quyết định giao dịch. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả, nhà đầu tư cần ý thức được các hạn chế và biết cách kết hợp chỉ báo với các công cụ phân tích khác để đạt được kết quả tốt nhất. 


Tóm lại, chiến lược giao dịch theo xu hướng là một phương pháp đơn giản và hiệu quả, cho phép nhà đầu tư dự đoán hướng đi của giá cổ phiếu và xác định thời điểm thích hợp nhất để mua hoặc bán. Bằng cách sử dụng một hoặc nhiều chỉ báo giao dịch, nhà đầu tư có thể xây dựng chiến lược giao dịch phù hợp với phong cách và mục tiêu đầu tư của bản thân. Dù cho chiến lược này mang lại tiềm năng lợi nhuận cao và có khả năng quản lý rủi ro tốt, nhà giao dịch cũng cần phải nhận thức được các thách thức như rủi ro tín hiệu sai, sự phụ thuộc vào điều kiện thị trường. Bằng cách áp dụng chiến lược này một cách linh hoạt và kết hợp với biện pháp quản lý rủi ro chặt chẽ, nhà tư vấn có thể tận dụng xu hướng thị trường để tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.


Tài liệu tham khảo

Finashark. (2023). “Các chỉ báo xác định xu hướng mạnh mẽ và hiệu quả.”. https://finashark.vn/trading-blog/cac-chi-bao-xac-dinh-xu-huong-manh-me-va-hieu-qua.html

ATFX. (2023). “What is Trend Trading Strategies and Market Indicators.”. https://www.atfx.com/vi/analysis/trading-strategies/what-is-trend-trading-strategies-and-market-indicators

QuantInsti. (2022). “Indicators to Build a Trend Following Strategy.”. https://blog.quantinsti.com/indicators-build-trend-following-strategy/?signuptype=GoogleOneTap

Graham Capital Management. (2021). “Trend Following Primer.”. https://www.grahamcapital.com/assets/InsightSeries/Trend-Following%20Primer_January%202021.pdf


 


Chia sẻ bài viết

Đánh giá

Hãy là người đầu tiên nhận xét bài viết này!

Đăng ký nhận tin

Nhập Email để nhận được bản tin mới nhất từ QM Capital.

Bài viết liên quan

Yếu tố quan trọng nhất khi đầu tư vào cổ phiếu: Làm sao để tạo thu nhập ổn định trong dài hạn?
17/10/2024
9 lượt đọc

Yếu tố quan trọng nhất khi đầu tư vào cổ phiếu: Làm sao để tạo thu nhập ổn định trong dài hạn?

Khi nhắc đến đầu tư vào cổ phiếu, đa phần mọi người đều nghĩ rằng lợi nhuận là yếu tố quan trọng nhất. Tuy nhiên, theo nhiều nhà đầu tư thành công, lợi nhuận chỉ là một phần của câu chuyện. Điều quan trọng hơn là bảo vệ vốn đầu tư và duy trì một danh mục ổn định để có thể tạo ra thu nhập dài hạn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu vào những yếu tố quan trọng nhất khi đầu tư cổ phiếu và cách xây dựng danh mục đầu tư nhằm tạo thu nhập ổn định.

"Đánh bại" Thị trường phái sinh bằng Bot giao dịch
16/10/2024
183 lượt đọc

"Đánh bại" Thị trường phái sinh bằng Bot giao dịch

Thị trường phái sinh (derivatives market) là một trong những lĩnh vực tài chính phát triển nhanh chóng tại Việt Nam và trên toàn cầu. Các công cụ tài chính như hợp đồng tương lai (futures contracts) và quyền chọn (options contracts) giúp nhà đầu tư có thể phòng ngừa rủi ro hoặc đầu cơ vào các biến động giá của tài sản cơ sở như cổ phiếu, chỉ số, hoặc hàng hóa. Giao dịch phái sinh yêu cầu sự nhạy bén và phản ứng nhanh chóng với những biến động ngắn hạn của thị trường.

Bot giao dịch phái sinh:  Cách mạng hóa giao dịch tại thị trường Việt Nam
10/10/2024
123 lượt đọc

Bot giao dịch phái sinh: Cách mạng hóa giao dịch tại thị trường Việt Nam

Giao dịch phái sinh đã trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh tài chính của Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ vốn, giao dịch phái sinh còn mở ra cơ hội sinh lời cho những ai biết nắm bắt và tận dụng. Trong bối cảnh này, bot giao dịch phái sinh đã xuất hiện như một công cụ hiện đại giúp tối ưu hóa quy trình giao dịch.

Giao dịch thuật toán mang lại những lợi thế gì?
01/10/2024
264 lượt đọc

Giao dịch thuật toán mang lại những lợi thế gì?

Giao dịch thuật toán đang ngày càng trở nên phổ biến nhờ khả năng tự động hóa và tối ưu hóa quy trình giao dịch. Không còn phải ngồi hàng giờ theo dõi thị trường, nhà đầu tư có thể để máy móc thực hiện công việc phân tích và ra quyết định thay cho mình. Nhưng liệu giao dịch thuật toán mang lại những lợi thế gì vượt trội so với phương pháp truyền thống? Hãy cùng tìm hiểu những điểm mạnh của phương pháp này và vì sao ngày càng nhiều nhà đầu tư lựa chọn nó để tối ưu lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.

Liệu giao dịch thuật toán có phù hợp với bạn?
27/09/2024
345 lượt đọc

Liệu giao dịch thuật toán có phù hợp với bạn?

Giao dịch thuật toán (algorithmic trading) đang ngày càng trở thành một phần quan trọng của thị trường tài chính hiện đại, đặc biệt khi các công nghệ như máy học và dữ liệu lớn được ứng dụng rộng rãi. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với phương pháp giao dịch này. Trong chương này, chúng ta sẽ phân tích sâu hơn các đặc điểm cá nhân và kỹ năng cần thiết để thành công trong giao dịch thuật toán, từ đó giúp bạn tự đánh giá xem mình có phù hợp với phương pháp này không.

Cách chọn Bot giao dịch phái sinh tự động phù hợp nhất cho bạn
26/09/2024
339 lượt đọc

Cách chọn Bot giao dịch phái sinh tự động phù hợp nhất cho bạn

Các bot giao dịch tự động nổi lên như những công cụ phi thường dành cho các nhà giao dịch muốn điều hướng biển động của thị trường tài chính một cách chính xác và hiệu quả. Nhưng làm thế nào để bạn đảm bảo tìm được bot giao dịch tốt nhất phù hợp với mục tiêu giao dịch độc đáo của mình? Hãy cùng QM Capital tìm hiểu trong bài viết này nhé.

video-image

Truy Cập Miễn Phí Thư Viện Bot Tín Hiệu Giao Dịch Tự Động

Được nghiên cứu và phát triển bởi các chuyên gia từ QMTrade và cộng đồng nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Truy cập ngay!